Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Điểm văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Thái Nguyên từ ngày 09/5 đến ngày 15/5/2022

Sun May 15 15:01:00 GMT+07:00 2022

1. Ngày 13/5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND về việc chủ động sẵn sàng ứng phó với mưa lũ.

Tại Công văn trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý, chỉ đạo kiểm tra, điều tiết các hồ thủy lợi, đảm bảo vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ; chỉ đạo bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu của địa phương. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục nhanh sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, đặc biệt là trên các trục giao thông chính. Sở Công Thương kiểm tra, rà soát phương án ứng phó thiên tai đảm bảo an toàn đối với các mỏ khai thác khoáng sản, bãi đổ thải, hồ chứa bùn thải, đặc biệt là các khu vực mỏ có nguy cơ mất an toàn. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo thiên tai, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả, chủ động sơ tán dân cư khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ.

2. Ngày 10/5/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1933/UBND-NC về việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu: Công an tỉnh chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành công tác kiểm tra an ninh, an toàn các máy tính, thiết bị, hệ thống mạng thông tin, các trang, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh; tham mưu, đề xuất triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn hoạt động xâm nhập, thu thập, chiếm đoạt, đánh cắp BMNN và phòng ngừa lộ, mất BMNN. Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác bảo vệ BMNN để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung… phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ BMNN đề ra. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện, tập huấn về pháp luật và công tác bảo vệ BMNN; tham mưu cho Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh công tác bảo vệ BMNN; tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ BMNN đối với cơ quan, đơn vị, địa phương; chủ động, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, xác minh làm rõ các vi phạm pháp luật về bảo vệ BMNN đã phát hiện để kiến nghị xử lý theo quy định.

Các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thành phố thực hiện theo đúng thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ được giao đảm bảo tuyệt đối, an toàn bảo mật các thông tin trong công tác quản lý nhà nước, trên các thiết bị và hệ thống mạng thông tin; thường xuyên rà soát thực tế công tác bảo vệ BMNN để khắc phục những tồn tại, sơ hở, thiếu sót; rà soát, củng cố, kiện toàn, xây dựng bộ phận và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ BMNN ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương phụ trách công tác bảo vệ BMNN, bộ phận chuyên môn và cán bộ đảm nhiệm; bảo đảm gắn trách nhiệm cá nhân trong thực hiện công tác bảo vệ BMNN ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Tăng cường công tác tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ BMNN tại đơn vị. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hoạt động thu thập thông tin BMNN cũng như các hoạt động khác gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

3. Ngày 10/5/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1911/UBND-KGVX về việc tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết.

Thực hiện Công văn số 2129/BYT-DP ngày 27/4/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết, UBND tỉnh giao: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh theo nội dung chỉ đạo của Bộ Y tế.

4. Ngày 10/5/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1926/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Tại Công văn trên, UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác trẻ em, Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Chương trình).

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông khai thác cơ sở dữ liệu CSAM để phối hợp triển khai thực hiện các chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng trên địa bàn tỉnh, nhằm ngăn ngừa việc đăng tải, chia sẻ các thông tin, hình ảnh/video xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác truyền thông tới toàn xã hội về hỗ trợ trẻ em và các xu hướng công nghệ để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện ngăn chặn dữ liệu, thông tin xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Thường xuyên theo dõi thông tin báo chí, các thông tin trên mạng xã hội để chủ động phòng ngừa, kịp thời nắm bắt, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, gỡ bỏ nhanh chóng các nội dung, hành vi sử dụng môi trường mạng xâm hại trẻ em.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Tỉnh Đoàn Thái Nguyên và các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để lấy trẻ em làm trung tâm, có sự tham gia của trẻ em hoặc tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em trong xây dựng chính sách số về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em; phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về trẻ em; khảo sát, nghiên cứu tình trạng xâm hại trẻ em và các tác động tiêu cực đến thực hiện quyền của trẻ em; chủ trì, phối hợp tổ chức các chương trình tập huấn cho trẻ em về kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng và kỹ năng tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Công khai trên Trang thông tin điện tử của đơn vị số điện thoại đường dây nóng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) và đường dây tư vấn bảo vệ trẻ em của tỉnh Thái Nguyên (số 1800 8080) tiếp nhận thông tin báo cáo xâm hại trẻ em và địa chỉ liên hệ của các trung tâm, tổ chức tư vấn, cứu trợ khẩn cấp.

Sở Giáo dục và Đào tạo lồng ghép vào chương trình giáo dục việc đào tạo “bộ kỹ năng số” cho trẻ em theo độ tuổi; xây dựng, triển khai mô hình, quy chế quản lý việc dạy học trực tuyến và các hướng dẫn cho nhà trường, giáo viên về nội dung bảo đảm an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với các hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; phối hợp với các đơn vị có liên quan phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi sử dụng môi trường mạng xâm hại trẻ em; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em liên quan đến môi trường mạng.

5. Ngày 11/5/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1938/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Tại công văn, UBND tỉnh yêu cầu: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Thái Nguyên thực hiện kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương; kịp thời tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường tuyên truyền, giáo dục, triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè. Đẩy mạnh phong trào dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè để đảm bảo an toàn, phòng, chống đuối nước. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn việc tăng cường rèn luyện thể dục, thể thao, kỹ năng bơi, tổ chức học bơi, các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, văn nghệ cho trẻ em trong mùa hè.

UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các tổ chức tham gia quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, các thời gian bão lũ, thiên tai để đảm bảo an toàn cho trẻ em, nhất là đuối nước. Tổ chức vận động các hộ gia đình cam kết trách nhiệm xây dựng ngôi nhà an toàn, bảo đảm an toàn cho trẻ em; rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm có nguy cơ tai nạn đuối nước tại địa bàn; triển khai các biện pháp phòng ngừa khắc phục (như làm rào chắn, biển cảnh báo; cảnh giới, nhắc nhở…). Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức dạy bơi trong các cơ sở giáo dục; tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho cha mẹ, trẻ em, học sinh và cộng đồng dân cư...

6. Ngày 11/5/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1937/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

UBND tỉnh giao: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan căn cứ hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên sâu đến UBND và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện về việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ, các quy định về việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Rà soát nhu cầu, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Nghị định 116/2021/NĐ-CP.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế công tác tại cơ sở y tế tuyến tỉnh trở xuống cấp chứng nhận về xác định tình trạng nghiện ma tuý; ưu tiên bố trí đảm bảo nguồn nhân lực xác định tình trạng nghiện ma túy cho tuyến cơ sở, cấp xã; chỉ đạo các cơ sở y tế cấp huyện, cấp xã đăng ký cung cấp dịch vụ điều trị, cắt cơn nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng theo quy định.

Công an tỉnh tổ chức tập huấn cho công an các địa phương thực hiện việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định; phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai, không để phát sinh phức tạp về an ninh trật tự do người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát nhu cầu, xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy thuộc trách nhiệm; ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương cho công tác cai nghiện ma túy, công tác xác định tình trạng nghiện ma túy, lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện, tổ chức cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện theo quy định. Đồng thời, thực hiện việc giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền cung cấp dịch vụ cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự để tổ chức cai nghiện ma túy theo quy định.

7. Ngày 10/5/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND triển khai Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm đẩy nhanh việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; đánh giá rộng rãi các doanh nghiệp trên toàn tỉnh, qua đó vừa giúp từng doanh nghiệp xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số để có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, vừa tạo được bức tranh tổng thể về chuyển đổi số doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp số trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn phục vụ công tác quản lý và chiến lược phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh... Đồng thời, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng áp dụng bao gồm: Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn trên toàn tỉnh, với các quy mô khác nhau có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cơ quan, tổ chức quản lý hoặc chủ trì triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, phát triển kinh tế số và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan.

Hoàng Minh (tổng hợp)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1984734